RỐP RẺNG & NỬA VẦNG TRĂNG.

RỐP RẺNG & NỬA VẦNG TRĂNG.

Xửa xưa, ở cái Xẻo ngoại ô buồn có vợ chồng lão nông sống vui vầy cùng hai cô con gái nhỏ: Nàng lớn Địu Đàng bao nhiêu thì nàng nhỏ ngược lại Rốp Rẻng bấy nhiêu.
Đứng giữa hai trường phái đối lập như vậy nên lão bà khi dạy con ít lấy quyền mang nặng đẻ đau ra sử dụng. Với Địu Đàng bà đối xử như một người bạn lớn, khi Địu Đàng trưởng thành hai mẹ con thường xưng hô "chế chế, em em" riết quen, Địu Đàng từ lúc lập gia đình càng gắn bó với bà như răng với môi.
Với Rốp Rẻng, vì con quá cá tính và luôn muốn chứng tỏ mình độc lập nên bà chỉ thường đứng ở xa quan sát. Bà nhớ hoài lúc mua cho Rốp Rẻng cái điện thoại cầm tay đầu tiên, nó lưu tên bà  trong danh bạ là "Giang hồ Tân Định" với lời giải thích: "Con lưu số của mẹ như vậy đặng lỡ có bị giựt điện thoại, bọn cướp sẽ thấy số thường xuyên liên lạc với con nhất là Giang Hồ Tân Định, cái tụi nó sẽ mắc sợ mà trả lại cho con." Lần đó bà nghe xong cười muốn té xỉu.
Tới lúc hai nàng lần lượt bỏ cái Xẻo buồn đi tìm con chữ nơi xứ người, lão bà trống trải bèn lao vào công việc chăn nuôi trồng trọt, vừa giải khuây vừa để trút nỗi nhớ con cứ canh cánh trong lòng. Hơn bốn năm sau, khi Địu Đàng học hành đỗ đạt thì mấy ông "Thổ Địa" cặp kè với bà bấy lâu nay cũng đội nón ra đi. Màng túi của gia đình bà đang trong tình trạng "chết lâm sàng", còn bà thì nơm nớp nghĩ tới số tiền sắp tới lượt phải lo cho Rốp Rẻng.
Chắc ông trời ở tuốt trên cao nghe được lòng bà, nên một hôm trời làm phép cho đàn chim Yến khắp nơi hội tụ về Xẻo Lá nhả nước bọt tạo thành nửa vầng trăng lưỡi liềm bằng bụm tay em bé trong ngôi nhà 500m2 bà cất hơn 4 năm chưa quét vôi. Để thử lòng kiên nhẫn của bà, đàn Yến trộn những sợi lông tơ trên người mình vào trong nước bọt trước khi bỏ tổ cũ làm tổ mới để đẻ con. Vì có sẵn tánh kiên trì, lại thêm lòng mong mỏi đến ngày tựu trường của Rốp Rẻng, nên ngày nào bà cũng ngồi lụm lông từ hừng đông đến chạng vạng, những chiếc tổ nửa vầng trăng trắng muốt tinh khôi lần lượt hình thành. Tiếng lành đồn xa, giờ thì lộc trời Nửa Vầng Trăng của Xẻo buồn đã có mặt rải rác khắp dọc dài đất nước. Bà tự nhủ mình làm bằng hai bàn tay, không có máy móc thiết bị hà rầm như nửa vầng trăng hàng hiệu, nhưng vàng thiệt hông sợ lửa, chỉ mong đủ khách hàng để trang trải cho 4 năm dài cho Rốp Rẻng.

Một năm rồi hai năm cứ thế trôi qua, bỗng một ngày kia, nửa đêm khuya Rốp Rẻng gọi về cho bà."Chéch meo đi mẹ, con vô lớp à." Mở máy tính lên, bà dụi mắt mấy lần, cứ tưởng mình chiêm bao. Lúc đó đã quá khuya, bà ngồi bất động trước bức tranh sơn dầu vẽ tĩnh vật mà Rốp Rẻng chụp từ trong lớp học email về. Bà ngắm nhìn mãi không chán, cảm giác có cái gì đó chạy rần rần trong từng sớ thịt, toàn thân nóng rang. Bởi nét vẽ bạo tay và lối chơi màu ngông ngông của Rốp Rẻng, nó lột tả được cái cần thể hiện mà vẫn giữ được chất "phiêu" của người cầm cọ. Với bà, đó là món quà bất ngờ nhất. Bà định gọi lại con Rốp Rẻng, tính cám ơn con đã và đang học tiếp phần kiến thức dỡ dang của mình, nhưng chợt nhớ Rốp Rẻng vốn là Rốp Rẻng, không thích thể hiện tình cảm bằng lời, nên đành cất lại.
Bên ngoài tiếng chim Yến ríu rít gọi bầy đàn. Bà mở cửa ra, mùi Ngọc Lan bên hè ùa vào nhà.
Bà nói một mình.
"Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Có thêm một ngày nữa - CỰC mà VUI."

P/S:
  • Viết để nhớ, sau này kể cho cháu ngoại nghe chơi.
  • Trước khi về  Xẻo Lá gia đình bà sống ở gần chợ Tân Định, nên bà mới có biệt danh "Giang hồ Tân Định" của Rốp Rẻng đặt cho.
Thẻ SV của Rốp Rẻng.Thẻ SV của Rốp Rẻng.T


No comments :

Post a Comment